Tai biến mạch máu não

14 Tháng Chín 201512:34 SA(Xem: 9653)
Tai biến mạch máu não
Tai Biến Mạch Máu Não (Phần 1)
Tai Biến Mạch Máu Não (Phần 2)
Tai Biến Mạch Máu Não (Phần 3)


Tai biến mạch máu não (TBMMN) là một căn bệnh rất nguy hiểm. Bệnh có thể xảy ra bất cứ ai, và bất cứ lúc nào và có thể dẫn đến tử vong. Theo hội TBMMN của Hoa Kỳ, thì những năm trước đây bệnh tai biến gây tử vong đứng hàng thứ ba sau bệnh tim mạch và ung thư. Nhưng những năm trở lại đây thì con số tử vong có phần giảm xuống và được xếp vào hạng thứ năm gây ra tử vong. Cũng theo hội TBMMN của Hoa Kỳ cứ 45 giây thì có 1 người bị tai biến, 4 phút thì có 1 người bị tử vong, con số người bị TB mỗi năm ước lượng khoảng chừng 800,000 người trên toàn quốc Hoa Kỳ. 140,000 tử vong, 10 đến 15 phần trăm được bình phục, số còn lại thì bị bại liệt vĩnh viễn (permanent disability) mất khả năng làm việc. Người dân Hoa Kỳ phải chi ra khoảng 74 tỉ mỹ kim để điều trị cũng như chăm sóc về y tế cho căn bệnh này.

Tai biến mạch máu não xảy ra ở đâu trong cơ thể? Và xảy ra khi nào?
Tai biến xảy ra ở trong não của chúng ta. Khi những mạch máu dẫn máu và oxy lên não để nuôi tế bào não bị nghẹt hoặc bị bể làm gián đoạn sự lưu thông của máu. Lúc đó tai biến xảy ra.

Tại sao nó xảy ra qúa đột ngột? Tại sao có người liệt bên phải, có người liệt bên trái? Có bao giờ liệt toàn thân không?
Trọng lượng của não chỉ chiếm 2 phần trăm của cơ thể nhưng nó yêu cầu cơ thể phải chu cấp cho nó một dung lượng máu rất lớn, tức ¼ dung lượng máu của cơ thể phải đi qua nó. Não là một cơ quan rất đặc biệt, nó điều khiển mọi hoạt động trong cơ thể vì thế nó làm việc rất nhiều và liên tục. Não là cơ quan không dự trữ năng lượng, vì vậy nó phải cần cơ thể chu cấp dưỡng khí và thức ăn cho nó 24/24. Khi dưỡng khí và thức ăn bị gián đoạn thì tế bào não bị đói và chết ngay. Khi não không hoạt động được thì các cơ quan trong cơ thể mà nó điều khiển cũng bị shut down- mất khả năng hoạt động.

xuan-duong-clinic-llc-tai-bien-mach-mau-nao-01
 
Não chia làm hai ngăn, ngăn bên phải điều khiển cơ thể bên trái và ngăn bên trái điều khiển cơ thể bên phải. Nếu tai biến xảy ra ở não bên trái thì cơ thể bên phải bị bại liệt và ngược lại.

Cũng có trường hợp liệt toàn thân. Trường hợp này cũng xảy ra nhưng ít hơn một bên. Trường hợp tai biến loại này không phải là do nghẹt máu hay chảy máu ở não mà do suy hệ tuần hoàn (circulatory failure), hay lưu lượng máu thấp (low blood flow). Nguyên nhân này do hai yếu tố chính góp phần làm cho lưu lượng máu không đủ. Yếu tố thứ nhất phải nói đến tim. Vì lý do nào đó tim không có khả năng bơm đủ lượng máu cần thiết đi ra ngoài để lên não. Cộng thêm yếu tố thứ hai là do huyết áp qúa thấp để đẩy lượng máu đi khắp cơ thể. Và như vậy chỉ một ít lưu lượng máu tới não, và toàn bộ cơ quan não đều không chu cấp đủ máu. Tai biến trong trường hợp này sẽ xảy ra cả hai ngăn của não bộ và làm liệt toàn thân.

Những người nào thường dễ bị TBMMN xảy ra đối với họ?
Những ai không chịu đi khám bệnh y khoa tổng quát định kỳ và ỉ y.
Những người đã từng bị tai biến nhẹ ministroke và triệu chứng đã qua đi nhưng không đi bác sĩ khám bệnh và không chịu uống thuốc ngăn ngừa thì sẽ bị tai biến trong tương lai gần, những người bị cao huyết áp, cao mỡ trong máu (high cholesterol), bệnh tim mạch, xơ cứng động mạch – atherosclerosis, bệnh tiểu đường, sickle cell disease-rối loạn hồng cầu, bệnh béo phì, uống rượu, hút thuốc, và dùng thuốc phiện qúa liều lượng, tuổi tác trên 60 tuổi trở lên, và di truyền - family history.

Dấu hiệu và triệu chứng của TBMMN như thế nào?
  • Đột ngột bị yếu, tê, liệt một bên cơ thể, đi đứng không vững.
  • Đột ngột nhìn không rõ, hoặc nhìn một hình thành hai hình (double vision).
  • Đột ngột không cử động được chân tay (Mất phối hợp điều khiển chân tay).
  • Đột ngột không nói được, nói lớ, hoặc không hiểu được người khác nói.
  • Đột ngột đầu đau dữ dội mà không rõ nguyên do.

xuan-duong-clinic-llc-tai-bien-mach-mau-nao-02

Làm thế nào để nhận biết người bị TBMMN khi ở nhà, ở chổ làm hay nơi công cộng?
Khi một người mà bạn nghi ngờ bị TBMMN bạn chỉ cần làm những trắc nghiệm đơn giản.
  1. Yêu cầu người đó cười: Bạn sẽ thấy khuôn mặt của người đó bị méo một bên.
  2. Yêu cầu người đó giơ tay và chân lên: Tay và chân bên liệt không có khả năng giơ lên cao.
  3. Yêu cầu người đó lặp lại một câu nói: Bạn sẽ nhận thấy người đó nói không rõ ràng mạch lạc, hay còn gọi là nói lớ.
  4. Bạn sẽ thấy người đó mất ý thức tự chủ.
  5. Yêu cầu người đó đứng thẳng: Bạn sẽ thấy người đó đứng không vững và một bên chùng xuống.

Chúng ta cần phải làm gì để giúp đỡ người đang bị tai biến?
Sau khi phát hiện người thân, bạn bè hay đồng nghiệp bị tai biến điều trước tiên bạn làm là:
  • Giúp người đó nằm ở tư thế thoải mái, nửa nằm nửa ngồi.
  • Nói người đó bình tĩnh và hít thở sâu.
  • Gọi 911 để được giúp đỡ.
  • Đưa người đó đi bệnh viện cấp cứu càng sớm càng tốt. Thời gian để chữa kịp thời là trong vòng bốn tiếng đồng hồ trở lại, nếu để lâu qúa sẽ mất nhiều cơ hội.

Những điều gì không nên làm?
Không nên cạo gió giác hơi.
Không nên lể mười đầu ngón tay.
Không nên bấm huyệt hoặc massage.
Không nên uống những loại thuốc tự tiện mua.

Những yếu tố rủi ro có thể dẫn đến TBMMN?
  • Cao huyết áp
  • Xơ cứng động mạch
  • Bệnh tim mạch
  • Bệnh tiểu đường
  • Mỡ trong máu cao
  • Hút thuốc uống rượu
  • Tuổi tác trên 60
  • Di truyền
  • Bệnh béo phì
  • Căng thẳng thần kinh

Yếu tố chính là yếu tố nào?
Huyết áp cao là một trong những yếu tố rủi ro lớn nhất dẫn đến tai biến mạch máu não.
  • Xơ cứng động mạch: Huyết áp cao sẽ làm tổn hại đến thành mạch máu bởi do sức ép đè nén lên thành mạch, dẫn đến sẽ làm tế bào của thành mạch bị rách và trở thành chai cứng. Sự tổn hại của thành mạch cũng từ những chất dơ, chất mỡ tuần hoàn tro ng lòng thành mạch và nó bám vào, dễ tạo điều kiện cho thành mạch bị hẹp lại và không có sự đàn hồi. Dẫn đến lưu thông trong máu càng khó khăn hơn.

    xuan-duong-clinic-llc-tai-bien-mach-mau-nao-03
 
  • Bệnh tim: Khi động mạch vành tim bị sơ cứng (caronay artery disease) thì khả năng tuần hoàn máu đến tim càng khó khăn, như vậy có thể dẫn đến đau ngực, nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim. Huyết áp cao sẽ làm cho tim làm việc nhiều hơn để bơm máu cho cơ thể, làm cho tim dễ bị lớn và cứng đặc biệt là tâm thất trái (left ventricular hypertrophy).  Điều này sẽ làm hạn chế khả năng bơm máu từ tim, dễ dẫn đến nhồi máu cơ tim, suy tim…
    xuan-duong-clinic-llc-tai-bien-mach-mau-nao-04
    Huyết áp cao sẽ gây nguy hại cho các cơ quan khác trong cơ thể, có nhiều nguy cơ có thể xảy ra như đột qụy, cao nhản áp, bệnh tim, xơ cứng động mạch, suy thận.

  • Bệnh thận: Huyết áp cao sẽ làm suy thận do sự xơ cứng những động mạch chính dẫn đến thận và những mạch máu nhỏ nằm trong thận bị giản nỡ và chai cứng. Như vậy khả năng lọc thận và bài tiết sẽ bị rối loạn không có khả năng làm việc, dẫn đến suy thận. Một khi tim và thận đã bị tổn hại thì vấn đề tuần hoàn máu sẽ càng tổn hại thêm, khiến huyết áp càng tăng thì cơ hội dẫn đến tai biến xảy ra càng cao.

Bệnh tai biến mạch máu não có mấy loại?
Bệnh tai biến MMN có hai loại chính, loại nghẹt máu và chảy máu (xuất huyết).
  • Nghẹt máu (Ischemic stroke): Tai biến do nghẹt máu xảy ra là khi máu cục không đi qua được lòng thành mạch bị dày lên bởi chất dơ hay mỡ bám vào và máu dẫn lên não bị chặn. Tai biến do nghẹt máu chia làm hai loại
- Đột qụy đông huyết khối lớn (Thrombotic stroke): Loại này xảy ra do động mạch não bị nghẹt hoàn toàn bởi máu cục qúa lớn không thể đi qua lòng mạch máu qúa hẹp do đã bị xơ cứng lâu ngày. Động mạch bị nghẹt thường gọi là động mạch cảnh (internal carotid artery) xuất phát từ tim lên cổ và lên não. Loại này thường xảy ra do xơ cứng động mạch là chính.
xuan-duong-clinic-llc-tai-bien-mach-mau-nao-05xuan-duong-clinic-llc-tai-bien-mach-mau-nao-06
 
Xơ cứng động mạch khiến lòng thành mạch bị hẹp và máu cục không  qua được.

- Đột quỵ đông máu khối nhỏ (Embolic stroke): Các loại máu cục nhỏ hay các chất dơ không hòa tan trong máu bị vỡ ra thành mảng nhỏ và trôi theo dòng máu đi lên não. Khi đến những mạch máu qúa nhỏ trong não (spinder artery) những dạng máu cục hay chất dơ này không qua được, tai biến sẽ xảy ra. Loại này thường xảy ra nhiều hơn đối với những người bị bệnh tim mạch.
  • Loại xuất huyết não (Hemorrhagic stroke): Không phải tai biến nào xảy ra cũng đều do máu bị ngăn chặn đi lên não. Có khoảng chừng 15 đến 20 phần trăm là do mạch máu bị bể ra ở bên trong hay nằm xung quanh màng não. Tai biến xuất huyết chia làm hai loại.
- Xuất huyết màng não (subarachnoid hemorrhage): Loại này xảy ra khi thành mạch máu trong não phình ra qúa to dẫn đến bị bể. Máu chảy ra giữa màng não và hộp sọ. Mạch máu trong não phình ra có thể là do mạch máu bị bệnh, khiến mạch máu có những tì vít mỏng không đều, cộng thêm bị huyết áp cao mãn tính không điều trị, lâu ngày khiến mạch máu bị qúa căng khiến chổ mỏng phình ra và bể.
xuan-duong-clinic-llc-tai-bien-mach-mau-nao-07xuan-duong-clinic-llc-tai-bien-mach-mau-nao-08
 Mạch máu sẽ phình to ra qúa căng và bễ, máu sẽ chảy ra ngoài màng não và hộp sọ.

- Xuất huyết trong tế bào màng não (Intracerebral hemorrhage). Loại này xảy ra khi mạch máu nằm sâu trong tế bào não bị bể, máu chảy ra và làm tổn hại đến tế bào não.
xuan-duong-clinic-llc-tai-bien-mach-mau-nao-09
 
  • Suy hệ tuần hoàn máu (systemic hypoperfusion): Loại này tai biến xảy ra khi máu đi lên não bị giảm bởi do tim không có khả năng bơm đủ máu. Loại này xảy ra thì cả não bộ đều bị ảnh hưởng, toàn thân sẽ bị liệt.

  • Tai biến nhẹ (mini-stroke – TIA): Tai biến loại này còn được gọi là tai biến “tạm thời” bởi vì khi tai biến xảy ra, triệu chứng có trong vài phút hay vài tiếng đồng hồ rồi mất đi. Lý do? Những máu cục nhỏ hay chất dơ bị kẹt ở mạch máu lại trôi qua được và khu vực não bị thiếu máu được tiếp tế đủ máu và người bệnh trở lại bình thường. Tai biến nhẹ có thể nói rằng nó xảy ra theo ngày, tuần và tháng trước khi bị một tai biến nặng sắp xảy ra. Các chất dơ hay máu cục vẫn còn trong dòng máu và tiếp tục trôi lên não. Nếu người bị tai biến nhẹ không cảm nhận được sự nguy hiểm của tai biến nhẹ, không đi khám bác sĩ và không uống thuốc ngăn ngừa thì chắc chắn sẽ bị tai biến MMN xảy ra trong tương lai nhưng càng trầm trọng hơn.

Tại Bệnh Viện
Sau khi người bệnh bị tai biến mạch máu não xảy ra, người than trong gia đình phải đưa người bệnh đi cấp cứu ở bệnh viện hoặc phải gọi xe cứu thương để được giúp đở. Phương pháp chữa trị bệnh tai biến MMN khi vừa xảy ra thì phải điều trị bằng phương pháp tây y và phải điều trị ở phòng cấp cứu ở bệnh viện.

Khi bệnh nhân được đưa đến bệnh viện, đội ngũ bác sĩ cũng như y tá nhanh chóng khám và điều trị cho bênh nhân một cách nhanh chóng nhằm mục đích giúp cho tế bào não bị tổn thương mau chóng phục hồi lại chức năng càng sớm càng tốt nếu có thể. Nếu bệnh nhân là người bị hôn mê, thì cần phải có một người thân để bác sĩ lấy tin tức tiểu sử bệnh lý của người bệnh một cách dễ dàng hơn. Mỗi câu hỏi mà bác sĩ hỏi và các thử nghiệm được đưa ra là một nỗ lực cố gắng khẩn cấp đều đi đôi với các thu thập thông tin rất cụ thể từ  bệnh nhân. Được dựa vào các thông tin đó, các bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác tình trạng của bệnh nhân, sau đó bắt đầu điều trị thích hợp một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Sau khi bệnh nhân đang ở phòng cấp cứu, bác sĩ sẽ lấy tiểu sử bệnh lý của bệnh nhân và nhìn vào những yếu tố rủi ro cũng như những triệu chứng mà bệnh nhân đang có. Nắm bắt được một số tiểu sử bệnh lý từ bệnh nhân cũng có thể giúp một phần nào đó cho sự chẩn đoán là bệnh nhân bị tai biến nghẹt máu hay chảy máu. Bác sĩ khám bệnh một cách tổng thể bao gồm cả thần kinh và tất cả đều lệ thuộc vào qúa trình điều tra bệnh lý rồi mới đưa ra quyết định những thử nghiệm nào là cần thiết để nắm chắc sự chẩn đoán. Một khi chẩn đoán đã được xác định, thì sự chữa trị có thể bắt đầu. Các bác sĩ tin rằng phần khám toàn bộ cho bệnh nhân bị tai biến để đi đến kết luận chẩn đoán phải mất hết khoảng một giờ.
Những thủ tục ban đầu là kiểm tra đường hô hấp có thông hay không, đo nhiệt độ, kiểm tra huyết áp, nếu thấy dấu hiệu bệnh nhân thiếu nước, bệnh nhân sẽ được chuyền nước, bước tiếp theo là thử máu và nước tiểu.

Mục đích thử máu và thử nước tiểu để làm gì?
Phân tích máu và nước tiểu giúp cho bác sĩ tìm ra sự không bình thường hay mất quân bình của các chất hóa học trong máu có thể đóng góp phần nào gây ra tai biến. Bất kể rối loạn nào trong máu đã được khám phá có thể yêu cầu làm thêm những thử nghiệm kế tiếp. Đối với bệnh nhân trẻ dầu gì rủi ro bị tai biến là rất thấp, cho nên thử máu xem bệnh nhân có dùng thuốc kích thích á phiện hay không.

Xét nghiệm máu người ta thường phân tích thành phần của máu:
  • Độ đặc của máu (blood viscosity): Máu qúa đặc có thể ảnh hưởng đến sự lưu thông của máu.
  • Số lượng tế bào máu (blood hematocrit): Số lượng tế bào máu có thể ảnh hưởng đến sự lưu thông dễ dàng.
  • Máu đóng cục (Fibrinogen):
  • Chất làm đông máu (blood platelets): Nếu số lượng platelets cao hơn mức bình thường, sẽ dẫn đến làm đông máu, nếu thấp thì dễ dẫn đến chảy máu.
  • Đường trong máu
  • Mỡ trong máu
  • Thuốc bổ xương calcium

Xét nghiệm nước tiểu:
Mục đích xét nghiệm nước tiểu xem có máu trong nước tiểu hay không. Nếu trong nước tiểu có máu, sẽ giúp bác sĩ xác định được máu cục bị vở ra trôi theo dòng mạch máu đi vào thận cũng có thể đi vào não.

Kiểm tra huyết áp:
Sau kiểm tra huyết áp của bệnh nhân, nếu huyết áp của bệnh nhân rơi vào trong những trường hợp sau đây.    
  • Huyết áp qúa cao: Bác sĩ sẽ dùng thuốc cho hạ huyết áp nhanh nhằm ngăn chặn một tai biến mới có thể xảy ra nhưng vẫn giữ huyết áp trên mức bình thường.
  • Huyết áp cao: Bác sĩ cho hạ huyết áp nhưng hạ từ từ. Nếu hạ huyết áp nhanh qúa, sẽ khiến máu lên não khó khăn hơn bởi bị thiếu áp suất.
  • Huyết áp không cao lắm: Bác sĩ sẽ chờ đợi khi nào bệnh nhân được ổn định thì lúc đó mới cho hạ huyết áp xuống mức bình thường.

Kiểm tra tim:
Bác sĩ sẽ kiểm tra tim một cách kỹ lưỡng bởi vì những người bị bệnh tim là nguyên nhân dẫn đến tai biến MMN. Bác sĩ nghe bệnh nhân có bị rối loạn nhịp tim hay không. Nếu có những chất dơ từ ngăn tim có thể trôi theo dòng máu đi đến não. Bác sĩ cũng sẽ xem những dấu hiệu của suy tim, khiến tim không có khả năng bơm máu đủ lên não. Chụp quang tuyến X – ray nếu cần để xem kích cở của tim có bình thường hay không. Điện tâm đồ (electrocardiogram) cũng sẽ được kiểm tra.

Hệ mạch đập:
Bác sĩ sẽ kiểm tra tất cả các mạch đập khác nhau trong cơ thể của bệnh nhân, đặc biệt là mạch đập ở cổ. Bác sĩ sẽ lắng nghe mạch đập âm thanh không bình thường ở cổ, điều này sẽ xác định xơ cứng động mạch cảnh khiến máu lưu thông không đều. (Động mạch cảnh là động mạch từ tim đi lên cổ và từ cổ dẫn máu lên não).

Kiểm tra mắt:
Kiểm tra mắt là một điều cũng rất quan trọng. Những bệnh nhân bị tai biến xuất huyết não thì trong mắt của bệnh nhân có những chấm máu đỏ trong mắt. Ngược lại tai biến nghẹt máu thì mắt vẫn bình thường.

Các dấu hiệu và triệu chứng đưa tới chẩn đoán:
Sau khi định lượng về tình trạng của bệnh nhân, những vấn đề thường thấy ở bệnh nhân như yếu một bên hay bị liệt hoàn toàn hay từng phần một bênh. Nhưng những vấn đề thường đề cập đến như thị lực, nói năng, thăng bằng, bác sĩ cũng sẽ kiểm tra về triệu chứng như nhức đầu, ói mửa, và mức độ hôn mê khi bệnh nhân vừa mới bị tai biến. Những bệnh nhân bị tai biến xuất huyết não nằm ở màng não và hộp sọ thì thường thấy bị nhức đầu tức thì, tai biến xuất huyết não nằm trong sâu tế bào não thì bị nhức đầu sau này.

Khám thần kinh:
Bác sĩ khám thần kinh là nhằm giúp xác định được vị trí khu vực nào ở não bị tai biến. Não là cơ quan được chia ra làm nhiều phần và mỗi phần đều điều khiển một chức năng khác biệt. Ví dụ như khu vực não điều khiển về trí nhớ và nói chẳng hạn, mà bệnh nhân sau khi bị tai biến không có khả năng nhớ hay nói thì vùng não là nơi điều khiển trí nhớ và nói bị tổn hại ở đó. Cho nên khám thần kinh sẽ giúp bác sĩ xác định được tai biến xảy ra ở khu vực nào trên não và nó bao gồm bộ phận nhớ, năng khiếu ngôn ngữ, cách cư xử, sự tỉnh táo, sự tập trung, sự định hướng, lực cơ bắp, thị thực, dáng đi đứng của bệnh nhân….

Khám thần kinh phải nói rằng khám đi khám lại liên tục mỗi sáu phút trong vòng một tiếng đầu tiên khi bệnh nhân nhập viện bởi vì triệu chứng tai biến có thể phát triển qua nhiều giờ cho tới khi ngưng lại. Sau khi được ổn định, bệnh nhân được kiểm tra thần kinh lại mỗi hai tiếng một lần.

Chụp hình não bằng CT Scan (Computed Tomography)
Bác sĩ dùng CT scan hay còn gọi cat scan để định lượng tế bào não và hình ảnh thần kinh. Dùng phương pháp CT scan nhanh gọn và không đau và dễ xác định được bệnh nhân bị tai biến chảy máu não hay nghẹt máu. Sự khác nhau giữa chảy máu và nghẹt máu sẽ hiện rõ trên màng ảnh, chảy máu não xuất hiện màu trắng, nghẹt máu thì xuất hiện màu đen. CT scan cũng sẽ phát hiện ra bướu não và nó rất chính xác cho việc dò ra tai biến xuất huyết não ở phần màng não và họp sọ. Tuy nhiên CT scan nó cũng có những giới hạn của nó. Nó không chính xác với một số trường hợp như nghẹt máu não, hay chảy máu não có kích thước qúa nhỏ hay nằm sâu trong tế bào não CT scan không phát hiện được.

Chụp hình não bằng MRI (Magnetic Resonance Imaging)
Dùng loại máy MRI để chụp hình não rất chuẩn xác cho cả nghẹt máu và chảy máu não. Phương pháp chụp hình não bằng MRI rất rõ nét và nó có thể chụp xuyên toàn bộ các bộ phận của não để tìm ra khu vực nào bị tổn hại cho dù sự tổn hại do chảy máu hay nghẹt máu có kích thước là rất nhỏ. CT scan không có khả năng làm được việc này.

Siêu âm (Ultrasound)
Bác sĩ cũng có thể dùng phương pháp siêu âm động mạch cảnh ở cổ cho bệnh nhân nếu khả nghi tai biến do nghẹt máu. Bằng phương pháp này sẽ giúp bác sĩ sẽ thu thập thêm những dữ liệu về động mạch có bị xơ cứng và hẹp lòng thành mạch hay không, đặc biệt là khu vực cổ đi lên não.

xuan-duong-clinic-llc-tai-bien-mach-mau-nao-10
Sau khi thử nghiệm đã có kết qủa và được xác định bệnh nhân bị tai biến do nguyên nhân gì gây ra, bác sĩ tại bệnh viện lên phương pháp điều trị cho chuẩn xác để làm giảm thiểu nguyên nhân đó. Ví dụ, nếu người bệnh bị tai biến do nghẹt máu thì phần xét nghiệm máu người ta tìm ra độ đông đặc của máu cao hơn bình thường, lượng mỡ trong máu cao, cộng thêm kết qủa CT scan cho thấy nếu là nghẹt máu thì hình xuất hiện trên não sẽ là màu đen, còn xuất huyết não sẽ là màu trắng. Sau khi tìm được nguyên nhân gây ra tai biến đã được xác định, phương pháp chữa trị sẽ được áp dụng theo nguyên nhân đó. Nếu TBMMN xảy ra do bị nghẹt máu, bác sĩ sẽ dùng phương pháp loãng máu và mở lòng thành mạch để máu huyết lưu thông trở lại lên não được dễ dàng, đồng thời cho hạ huyết áp nếu bệnh nhân bị cao huyết áp. Bác sĩ không cho hạ huyết áp nhanh ở mức bình thường mà hạ từ từ, mục đích vấn đề cho hạ từ từ là để máu có đủ áp suất bơm máu lên não để đến khi nào bệnh nhân trở lại trạng thái ổn định thì lúc đó mới cho huyết áp ở mức bình thường. Các loại thuốc thường dùng cho trường hợp đặc máu là các loại thuốc chống đông máu như Aspirin, Warfarin, Heparin, Ticlopidine. Những loại thuốc này làm giảm thiểu nghẹt máu trong thành mạch và đem lại kết qủa cao. Nhưng những loại thuốc này lại đem đến những rủi ro khó lường như xuất huyết dạ dày, xuất huyết não, vì thế bác sĩ vẫn tiếp tục theo dõi tình trạng của bệnh nhân có bị biến chứng gì hay không trong lúc sử dụng những loại thuốc này. Còn trường hợp tai biến MMN xảy ra do bị xuất huyết não, phương pháp điều trị bước đầu tiên là cho hạ huyết áp xuống mức bình thường. Bác sĩ cũng có thể chữa sưng não và rút máu ứ ở não và bên cạnh đó có thể giải phẩu để loại bỏ hay gút các mạch máu bị phình trong não. Có những trường hợp bác sĩ cần đặt một loại ống thông máu ứ nối từ não qua cổ để đưa máu ứ đi xuống dạ dày.

Sau khi bệnh nhân đã qua thời nguy kịch và dần dần ổn định, bác sĩ cũng vẫn tiếp tục theo dõi và kết hợp thêm phương pháp tập vật lý trị liệu (physical therapy) càng sớm càng tốt để đem lại kết qủa nhanh chóng hơn cho bệnh nhân.

Vật lý trị liệu – Physical therapy

xuan-duong-clinic-llc-tai-bien-mach-mau-nao-11

Vật lý trị liệu hay còn gọi rehabilitation là một trong những phương pháp tập luyện giúp bệnh nhân phục hồi chức năng như đi đứng vận động cơ thể nhằm tập làm quen với sanh hoạt tự lực hằng ngày. Để đem lại kết qủa tốt cho người bệnh sau tai biến, phương pháp tập luyện này đòi hỏi phải có một sự nhẫn nại bền bì, chịu khó và đừng bao giờ bỏ cuộc giữa chừng. Không ai biết được câu trả lời tập bao lâu thì mới có kết qủa, nhưng phải nói rằng đó là một con đường thật dài để đi.

xuan-duong-clinic-llc-tai-bien-mach-mau-nao-12

Châm cứu

xuan-duong-clinic-llc-tai-bien-mach-mau-nao-13

Ngoài vật lý trị liệu, bệnh nhân cũng có thể kết hợp chữa bệnh bại liệt, đau nhức và cứng khớp bằng phương pháp châm cứu của đông y. Châm cứu sẽ giúp bệnh nhân phục hồi chức năng hoạt động của cơ bắp, dây thần kinh, cứng khớp mau lẹ hơn, đồng thời sẽ giúp bệnh nhân thư giản, chống căng thẳng và đem lại trạng thái cân bằng. Bác sĩ đông y sẽ dùng phương pháp điện châm, cứu ấm, bấm huyệt, kết hợp thêm thuốc thang để hổ trợ phần sinh lực, tăng cường khí huyết, chống mệt mõi đuối sức cho những bệnh nhân suy nhược trầm trọng. Nhưng phải lưu ý rằng không phải bệnh nhân nào sau khi xuất viện là đi châm cứu ngay là tốt. Nếu bệnh nhân bị tai biến xuất huyết não, hãy nên tham khảo với bác sĩ đông y trước khi điều trị, bởi vì một số trường hợp xuất huyết trong não vẫn chưa được ổn định, châm cứu có tác dụng hoạt huyết, giúp máu tuần hoàn tốt hơn, và điều đó khiến dễ chảy máu trong não trở lại.

Sau khi trở về nhà
Sau khi qua khỏi cơn nguy biến thập tử nhất sanh, bệnh nhân được sống sót cũng là do phước phần của mạng số! Đa phần những người được sống sót trở về nhà thì mất khả năng làm việc. Cuộc sống của họ sẽ có rất nhiều khó khăn ở phía trước và những biến chứng có thể xảy ra trong tương lai của họ như tê cứng cơ bắp, đau nhức các khớp chẳng hạn như cứng buốt vai (frozen shoulder), phù thũng, các mạch máu và thần kinh bên bại liệt dần dần bị xơ cứng do máu ứ, bệnh tim, bệnh ứ nước ở phổi, đau nhức triền miên, bệnh hoại tử, nhiểm trùng đường tiết niệu, trầm uất. Vì thế bệnh nhân cần phải có sự chăm sóc y tế đặc biệt của các bác sĩ chuyên môn, khám định kỳ theo sự yêu cầu của bác sĩ, người thân trong gia đình luôn động viên an ủi và giúp đở bệnh nhân sống vui vẻ và lạc quan trong quảng đời còn lại.

Làm thế nào để ngăn ngừa tai biến MMN?
  • Hãy kiểm tra huyết áp của bạn ít nhất mỗi năm một lần: Cao huyết áp là nguyên nhân chính dễ dẫn đến tai biến mạch máu não.
  • Bỏ hút thuốc lá: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ về bệnh tim và dễ bị nhồi máu cơ tim và tai biến.
  • Ăn uống điều độ: Bạn hãy chọn những loại thực phẩm có ít mỡ và ít muối. Bạn nên ăn cá nhiều hơn ăn thịt. Những loại thực phẩm có nhiềm mỡ và muối sẽ dễ bị xơ cứng động mạch. Nên ăn những loại trái cây có chất chua như cam, táo, thơm, xoài.
  • Đi khám sức khỏe tổng quát định kỳ hằng năm: Việc này rất quan trọng bạn ạ! Nếu bác sĩ của bạn cho biết bạn đang bị huyết áp cao, đường trong máu cao hay mỡ trong máu cao chẳng hạn thì bạn hay uống thuốc đễ ngăn ngừa và kiểm soát các chứng bệnh nói trên. Nếu không dùng thuốc bệnh của bạn mỗi ngày càng tăng thì sự rũi ro dẫn đến tai biến rất cao.
  • Exercise - tập thể dục: Bạn nên tập thể dục đều đặn tối thiểu 30 phút mỗi ngày, nếu bạn là người béo phì thì hãy giảm cân.
  • Biết các dấu hiệu của tai biến mạch máu não: Bạn có biết những dấu hiệu khi xảy ra tai biến chưa? Nếu chưa, xin hãy đọc phần mục “những dấu hiệu và triệu chứng của TBMMN như thế nào?”
  • Phần cuối là tôi khuyên bạn hãy sống thoải mái và vui vẻ! Đừng bao giờ để căng thẳng thần kinh. Trong một cuộc nghiên cứu các bác sĩ nhận xét rằng những người sống trong môi trường căng thẳng hay những người bị căng thẳng mạn tính dễ bị tai biến MMN nhiều hơn đối với những người sống không căng thẳng. Như vậy căng thẳng thần kinh cũng là một yếu tố rũi ro dẫn đến tai biến mạch máu não.

xuan-duong-clinic-llc-tai-bien-mach-mau-nao-14
Hãy bảo vệ trái tim của bạn cho thật tốt!
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn